Nhà rông là nơi già làng, trưởng buôn thường ngồi thâu đêm bên bếp lửa kể cho con cháu nghe những câu chuyện huyền thoại của núi rừng, chuyện của những anh hùng dân tộc; hướng dẫn kỹ thuật vót cung, đẽo ná, kinh nghiệm trong việc săn đuổi các thú dữ, góp phần bảo vệ sự bình yên của dân làng…
Nhà rông là thiết chế văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm H’roi... Đây là nơi thu hút đông đảo các tầng lớp già, trẻ, gái, trai tập trung vui chơi giải trí lành mạnh sau một ngày lao động mệt nhọc, cũng là giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì vậy, việc xây dựng nhà rông văn hóa đối với đồng bào các dân tộc tiểu số là rất quan trọng. Họ kỹ lưỡng từ đường nét hoa văn, kiến trúc, kiểu dáng đến vật liệu xây dựng... Hội tụ đầy đủ các yếu tố trên khi bắt tay vào xây dựng nhà rông, người ta chọn một vị trí phù hợp, nơi trung tâm khu dân cư nhằm thuận lợi trong việc sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và cộng đồng có trách nhiệm bảo quản giữ gìn các đồ vật phục vụ trong sinh hoạt văn hóa như: trống, cồng chiêng, chum, ché, cung, ná...
Vào những ngày lễ hội trong năm, ngày tết cổ truyền, dân làng tập trung về nhà rông như tìm về nguồn cội. Những đôi trai gái quây quần bên bếp lửa bập bùng, tay đan tay, hòa cùng nhịp điệu cồng chiêng aráp, ngây ngất bên ché rượu cần nồng thắm men rừng mà lòng vấn vương nhau, rồi nên duyên chồng vợ. Hoặc sau giờ lao động mệt nhọc trên đồi lúa, rẫy khoai, rẫy bắp... khi quay về dưới cái nắng ban trưa oi bức, các mí, các hờ duyên dáng ngồi vào khung cửi. Bằng đôi tay khéo léo tạo ra những đường nét hoa văn truyền thống rất độc đáo trên những tấm vải thổ cẩm như câu thơ vẫn lưu truyền trên các triền rẫy: Sáng sớm lên đồi chàm/ hạt chàm công anh tỉa/ trưa về ngồi dệt lụa/ dưới mái lá nhà rông...
Những năm gần đây, ngành Văn hóa đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí cùng các địa phương trùng tu xây dựng nhà rông mới, tạo ra những thay đổi rõ nét trong sinh hoạt tinh thần của người dân miền sơn cước. Từ đầu buôn đến cuối thôn ở đâu cũng bắt gặp nhà cửa từng ngày được “ngói hóa” khang trang. Già làng Ma Lin ở buôn Đoàn Kết, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: “Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng nhà rông mới cho đồng bào thì sinh hoạt văn hóa của người dân thay đổi hẳn. Ngoài việc giữ gìn nhà cửa, người làng còn tiếp thu nếp sống văn hóa qua những lúc sinh hoạt văn hóa vui chơi cộng đồng tại nhà rông”.
Hiện nay, ở các buôn làng, nhiều con đường được mở rộng, điện thắp sáng góp phần giúp người dân hình thành nếp sống văn hóa mới ở mỗi gia đình và trong khu dân cư. Chính quyền địa phương khuyến khích và duy trì ngày hội văn hóa biểu diễn cồng chiêng và chơi các trò chơi dân gian ở nhà rông văn hóa, tạo sinh hoạt văn hóa lành mạnh và bổ ích.
Nhà rông là thiết chế văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc. Nó quy tụ được cộng đồng đến với nhau rất đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày, trong lao động sản xuất. Từ những nhận thức đó mà hình thành được những tư duy mới, những kinh nghiệm quý báu qua lời dạy của ông cha, của già làng, trưởng buôn mà áp dụng trong thực tế để cùng nhau chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa Nguyễn Thiện Tình |